PHÒNG GD&ĐT HUYỆN KIM ĐỘNG TRƯỜNG THCS HIỆP CƯỜNG Số: 70/KH-THCSHC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hiệp Cường, ngày 06 tháng 9 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
ĐẢM BẢO AN NINH AN TOÀN TRƯỜNG HỌC, PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ THỰC HIỆN ATGT
NĂM HỌC 2023 - 2024
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;
Căn cứ Kế hoạch số 2260/KH-SGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2018 Kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2021; Công văn số 2259/SGDĐT-CTTT-GDCN ngày 28/12/2018 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường;
Công văn số 592 /KH-PGD&ĐT ngày 29 tháng 12 năm 2018 của phòng GD&ĐT về việc Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,phòng, chống bạo lực học đường trong các trường học huyện Kim Động giai đoạn 2018-2021;
Căn cứ công văn 306/PGD&ĐT ngày 11 tháng 8 năm 2022 của phòng GD&ĐT Kim Động V/v thực hiện Kết luận của đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.
Căn cứ nhiệm vụ năm học 2023-2024 của trường THCS Hiệp Cường;
Trường THCS Hiệp Cường xây dựng kế hoạch đảm bảo ANAT trường học, ATGT và phòng chống bạo lực học đường năm học 2023 – 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU.
1. Mục đích.
- Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của các loại dịch bệnh;
- Nâng cao trách nhiệm của Ban giám hiệu trong việc chỉ đạo, điều hành phối hợp hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trường học. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ sống, lao động, học tập, làm việc theo pháp luật.
- Đảm bảo an toàn giao thông, an ninh an toàn trường học, phòng chống tại nạn thương tích và phòng chống hiện tượng kì thị, vi phạm bình đẳng giới, bạo lực học đường…
- Kiềm chế việc vi phạm pháp luật, không có tệ nạn ma tuý trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Phòng, chống hiệu quả hành vi bạo lực trong nhà trường và các hành động tự phát của học sinh làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
- Nhằm giáo dục, tuyên truyền ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh tất cả các cấp học.
- Về ATGT: Mục tiêu 100% CB, GV, NV, phụ huynh, học sinh đến trường chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
- Hạn chế, giảm thiểu các tai nạn liên quan đến trẻ em, giúp các học sinh bước vào năm học mới an toàn, có thành tích tốt trong học tập.
2. Yêu cầu.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng, chống dịch bệnh, ma túy, bạo lực học đường.
- Đảm bảo các điều kiện về an toàn trường học.
- Phát huy sức mạnh của tập thể, huy động toàn thể lực lượng trong nhà trường tích cực tham gia phong trào đấu tranh giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống ma túy, bạo lực học đường. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Phòng Giáo dục, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và gia đình học sinh.
- Chủ động phòng ngừa, không để học sinh vi phạm tệ nạn xã hội, bạo lực học
đường và tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học.
- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đối với trẻ em.
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ; hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông từ phụ huynh, giáo viên đến các em học sinh.
- Tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường, giáo viên, phụ huynh, theo dõi giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định pháp luật an toàn giao thông cho học sinh các cấp.
II. NỘI DUNG.
* Triển khai tuyên truyền đến 100% CB, GV, NN các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở và Phòng GD&ĐT về thực hiện đảm bảo an ninh an toàn trường học cụ thể.
+ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Kế hoạch số 2260/KH-SGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của sở GD&ĐT Hưng Yên về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2021; Công văn số 2259/SGDĐT-CTTT-GDCN ngày 28/12/2018 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường;
+ Công văn số 592 /KH-PGD&ĐT ngày 29 tháng 12 năm 2018 của phòng GD&ĐT về việc Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các trường học huyện Kim Động giai đoạn 2018-2022,
+ Công văn 306/PGD&ĐT ngày 11 tháng 8 năm 2022 của phòng GD&ĐT Kim Động V/v thực hiện Kết luận của đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết côngtác bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch số 70/KH-THCS ngày 06/9/2023 về thực hiện ATGT, ANTT và phòng, chánh bạo lực học đường năm học 2023-2024.
* Tăng cường các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trong trường học.
- Tuyên truyền phổ biến tới toàn thể CB, GV, NV, HS các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tại địa phương để các biện pháp bảo đảm an toàn nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lí; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường trong trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lí; thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các vật dụng cần thiết để bảo đảm an toàn khi học sinh đến trường học tập.
* Tổ chức cho từng học sinh, từng tập thể lớp ký cam kết, không vi phạm các hành vi đánh nhau, vô lễ với nhà giáo, gây mất đoàn kết nội bộ, phòng chống bạo lực học đường, ATGT, ANTT…, nội dung ký kết của học sinh được phụ huynh học sinh ký xác nhận.
- Phối hợp với Công an địa phương, Hội cha mẹ học sinh tổ chức tuyên truyền đến tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh về các nội dung liên quan đến bạo lực học đường; lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật. Phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức, đoàn thể khác. Lập hồ sơ theo dõi tình hình khi học sinh vi phạm để có biện pháp giải quyết.
- Thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường theo thông tư 31 của Bộ GD&ĐT.
- Lập sổ theo dõi hàng ngày và hằng tuần về việc thực hiện các nội dung đã cam kết có chữ ký của HS hoặc PHHS.
- Thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống ma túy, bạo lực học đường qua một số môn học, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong nhà trường, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp chào cờ - HĐ trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, các trò chơi dân gian bổ ích cho học sinh tham gia.
* Tổ chức tự rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, khuôn viên trường vào đầu năm học đảm bảo an toàn trước khai giảng.
+ Thành phần gồm BGH, CTCĐ, kế toán và đại diện UBND xã Hiệp Cường
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
- Đối với hiệu trưởng.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ CSVC môi trường học đường đảm bảo an toàn vào đầu năm học 2023-2024.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lí; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong trường học, nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ giáo viên và học sinh tự giác, tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, có tính khả thi và triển khai có hiệu quả vào thời gian sớm nhất(kỳ họp Hội đồng tháng 9)
- Tổ chức cho HS và GV ký cam kết thực hiện tốt các nội dung ATGT, ANTT và phòng, chống bạo lực học đường vào đầu năm học.
- Làm thêm một số khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường xung quanh trường.
- Xây dựng kế hoạch bổ sung kinh phí mua sắm, xây dựng tủ sách pháp luật cung ứng đầy đủ các loại sách, văn bản cần thiết cho việc tìm hiểu pháp luật của CBGV, học sinh có nhu cầu tìm hiểu.
- Đề ra các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả với các trường hợp học sinh vi phạm.
- Lãnh đạo nhà trường phối hợp với Đội TNTP HCM, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đưa nội dung đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống ma túy bạo lực học đường trong các buổi chào cờ và tiết sinh hoạt lớp của năm học 2023 – 2024.
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho CBGV và học sinh trong các buổi chào cờ đầu tuần, họp hội đồng, họp chuyên môn, lồng ghép với các hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đội Thiếu niên trong những ngày kỷ niệm…
- Thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường năm học 2023-2024.
2. Đối với cán bộ giáo viên.
- Giáo dục ý thức tự giác tự học trau dồi kiến thức pháp luật để vận dụng vào giảng dạy lồng ghép trong các buổi học chính khoá.
- Cùng Ban giám hiệu tổ chức các hoạt động ngoại khoá, hoạt động tập thể
cho học sinh tham gia cùng học sinh.
- Giảng dạy lồng ghép các môn học theo chương trình theo quy định.
- Tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để phục vụ cho công tác giảng dạy cho học sinh trong trường đạt hiệu quả khi được phân công.
- Tuyên truyền giáo dục cho CBGV và học sinh về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật trong cuộc sống trong hiện nay.
- Tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hoá trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao lành mạnh, các trò chơi dân gian bổ ích cho học sinh tham gia để tránh xa tệ nạn xã hội.
3. Đối với học sinh.
- Tuyên truyền cho học sinh thông qua các bài học chính khoá, giờ chào cờ, tổ chức hoạt động TNHN, HĐ NGLL theo chủ đề.
- Tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về ATGT; ANTT
- Tổ chức cho học sinh và PHHS kí cam kết nói không với bạo lực học đường, không vi phạm về an ninh trường học, vi phạm các tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ.
- Tuyên truyền giáo dục cho học sinh về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật trong cuộc sống hiện nay.
- Ngăn chặn tình trạng học sinh đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết đi chơi, tham gia đánh nhau và vi phạm tệ nạn xã hội.
4. Các đoàn thể phối hợp.
* Tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với Ban công an phường ngăn chặn những sự việc có thể xảy ra.
- Phối hợp với GVCN phổ biến, hướng dẫn cho học sinh sinh hoạt, hoạt động lành mạnh trong năm học.
- Duy trì và đẩy mạnh hoạt động giáo dục của tổ tự quản “An toàn giao thông”, Các đội thiếu niên tình nguyện, xung kích …
- Tăng cường chăm sóc bảo vệ cây xanh, cảnh quan môi trường quanh trường.
- Quán triệt đến học sinh ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn hành vi vi phạm luật giao thông; đi hàng 3,4.. trên đường.
- Phối hợp tổ chức cho học sinh tuyên truyền phòng chống ma túy, thực hiện an toàn giao thông đường bộ, chống tiêu cực trong thi cử.
- Bố trí lực lượng trực hàng ngày cùng cờ đỏ, kịp thời phát hiện các đối tượng bên ngoài vào trường trái phép, phối hợp cùng Bảo vệ trường làm tốt công
tác phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trong khuôn viên của trường.
- Phối hợp với công an địa phương để ban công an xã nói chuyện về pháp luật và giáo dục pháp luật cho học sinh.
* Thư viện.
- Nhân viên thư viện thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc các ngày trong tuần và báo cáo kết quả hoạt, phản ánh sự việc cần thiết.
- Bổ sung sách pháp luật còn thiếu để phục vụ bạn đọc.
* Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.
- Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn các khối lớp thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, động viên các em vượt khó vươn lên. Đặc biệt chú ý những học sinh có điều kiện và hoàn cảnh như: gia đình khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh mà bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm...
- Tổ chức họp giao ban giáo viên chủ nhiệm hàng tuần vào giờ ra chơi tiết 2 của ngày thứ 7 để BGH, TPT Đội và GVCN trao đổi tình hình của học sinh trong tuần từ đó có hướng giải quyết kịp thời các sự việc, các mâu thuẫn... nảy sinh trong học sinh.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, đa dạng, phong phú để lôi kéo các em tham gia tạo sự đoàn kết, vui vẻ trong học sinh.
- Tổ chức cho HS ký cam kết thực hiện tốt 10 nội dung phòng, chống bạo lực học đường.
- Lập sổ theo dõi hàng ngày và hằng tuần về việc thực hiện các nội dung đã cam kết có chữ ký của HS hoặc PHHS.
- Thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống ma túy, bạo lực học đường qua một số môn học, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong nhà trường, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, các trò chơi dân gian bổ ích cho học sinh tham gia.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời công tác đảm bảo ANTT của đơn vị và quản lý chặt chẽ học sinh thuộc lớp chủ nhiệm; kịp thời đề xuất với nhà trường các biện pháp đảm bảo ANTT và quản lý học sinh.
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh; nâng cao hiệu quả công tác của giáo viên chủ nhiệm, nắm chắc diễn biến tư tưởng học sinh.
- Chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động của học sinh xâm hại đến nhân phẩm, danh dự học sinh.
- Chủ động phòng ngừa và ngăn chặn một số hành vi vi phạm đạo đức học sinh như: Đánh nhau, trộm cắp tài sản, đồ dùng học tập, gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội hoặc phim ảnh đồi trụy …
- Phối hợp với Đội TNTP HCM tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tạo
sân chơi lành mạnh, thu hút, lôi kéo được học sinhtham gia.
5. Với công an xã.
Phối hợp với Ban công an xã thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ trong
Quy chế phối hợp giữa hai Ngành. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, rà
soát, bổ sung những nội dung phối hợp phù hợp với diễn biến tình hình thực tế;
tổng hợp đề xuất các cấp biểu dương cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có
thành tích xuất sắc và chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.
4. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ
6. Đối với tổ tư vấn tâm lý học đường.
6.1. Xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt;
6.2. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng tâm sinh lý của học sinh nhằm có những hỗ trợ tâm lý nhanh nhất, kịp thời giúp học sinh vượt qua các tình huống khó khăn khi gặp phải để tiếp tục học tập;
6.3. Phân công lịch trực, thiết lập lưu trữ hồ sơ theo quy định.
IV. Triển khai phương án xử lý các tình huống bạo lực học đường
1. Tình huống bạo lực học đường từ ngoài xâm nhập vào trường học
- Thông tin: Mọi thành viên trong nhà trường, khi phát hiện có đối tượng từ bên ngoài xâm nhập trái phép vào trường học đều có trách nhiệm báo tin ngay cho bộ phận bảo vệ (hoặc cán bộ phụ trách an ninh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường).
- Bảo vệ sau khi nhận tin báo có trách nhiệm báo cáo ngay với Hiệu trưởng và liên hệ với cơ quan công an, nhân viên công tác xã hội địa phương, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ.
- Các thành viên trong nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp bảo vệ an toàn cho học sinh và cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực.
- Nhân viên y tế tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần).
- Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên xin ý kiến giải quyết.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, công an và nhân viên công tác xã hội xử lý triệt để vụ việc.
2. Tình huống bạo lực học đường xảy ra trong trường học
2.1. Tình huống bạo lực học đường từ nhà giáo, nhân viên, người lao động
- Thông tin: Mọi tổ chức trong nhà trường, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo cáo ngay với Hiệu trưởng nhà trường để xử lý đối với các hành vi bạo lực học đường do nhà giáo, nhân viên, người lao động trong nhà trường gây ra.
- Các thành viên trong nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực.
- Nhân viên y tế (hoặc phụ trách y tế) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần).
- Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xác minh, mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp xử lý vụ việc.
- Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên xin ý kiến giải quyết.
2.2. Tình huống bạo lực học đường từ học sinh
- Thông tin: Mọi thành viên trong nhà trường khi phát hiện có hành vi bạo lực học đường trong trường học do học sinh gây ra đều có trách nhiệm báo tin ngay cho bộ phận bảo vệ (hoặc cán bộ phụ trách an ninh, giáo viên) và Hiệu trưởng nhà trường.
- Bảo vệ (hoặc người được Hiệu trưởng phân công) nhà trường có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan công an, nhân viên công tác xã hội địa phương, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ.
- Các thành viên trong trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực.
- Nhân viên y tế (hoặc phụ trách y tế) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần).
- Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm liên hệ với gia đình học sinh để kịp thời phối hợp xử lý.
- Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, công an và nhân viên công tác xã hội xử lý triệt để vụ việc.
3. Tình huống bạo lực từ học sinh của nhà trường gây ra ở ngoài trường học
- Tiếp nhận thông tin: Mọi tổ chức, cá nhân trong nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận và báo cáo ngay với Hiệu trưởng nhà trường để phối hợp xử lý đối với các hành vi bạo lực học đường của học sinh trong nhà trường gây ra ở ngoài trường học.
- Hiệu trưởng nhà trường xác minh thông tin và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ với gia đình học sinh để cùng phối hợp xử lý.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, công an, nhân viên công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cùng xử lý vụ việc.
4. Các tình huống khác
Các đơn vị nhà trường, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình cụ thể, xây dựng kịch bản cho các tình huống cụ thể nhằm bảo đảm luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống bạo lực, ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực học đường và hạn chế tối đa hậu quả do bạo lực gây ra.
V. Về ATGT
- Tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn chỉ đạo các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa về đảm bảo an toàn giao thông.
- Phối hợp với cơ quan công an địa phương tổ chức hoạt động ngoại khóa, thông báo vi phạm của học sinh tại các buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, chi đội, các giờ học ATGT chính khóa, tổ chức nói chuyện tại các buổi họp phụ huynh học sinh về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
- Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.
VI. Về phòng chống tại nạn thương tích.
- Phổ biến, tuyên truyền đến CB,GV,NV và HS về kế hoạch, ý thức và trách nhiệm trong việc thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, cho giáo viên và học sinh thông qua giờ chào cờ đầu tuần, loa truyền thanh nội bộ.
- Hàng năm tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục cho học sinh, giáo viên, nhân viên của trường những kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ và cách phòng chống tai nạn thương tích đặc biệt là tác động của môi trường xung quanh như phòng ngã do xô đẩy, vấp…phòng điện giật, phòng các vật thể tác động vào người…chủ động sửa chữa kịp thời các yêu tố mất an toàn.
- Hàng tháng kiểm tra việc thực hiện của nhóm giáo viên chủ nhiệm, nghe ý kiến trao đổi của bảo vệ và giáo viên chủ nhiệm lớp về CSVC, lớp học đảm bảo an toàn, chống tai nạn thương tích.
- BGH thường xuyên kiểm tra tủ thuốc sơ cứu đầy đủ thuốc cần thiết để cấp cứu khi xảy ra tai nạn hoặc bị chấn thương.
Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, an toàn giao thông và phòng chống bạo lực học đường năm học 2023 - 2024 của trường THCS Hiệp Cường.
Nơi nhận: - Các bộ phận trong nhà trường; - Website; - Lưu: VT. | HIỆU TRƯỞNG
NGUYỄN VĂN VINH
|